“If a body catch a body comin' through the rye …”
“Nếu một đứa nào bắt được đứa nào đang đến qua đồng lúa mạch xanh …”
“thế đấy, anh cứ tưởng tượng một bầy trẻ con chơi một trò chơi gì đó trong một đồng lúa mạch thật to. Hàng nghìn đứa trẻ con …”
Hình ảnh đầy sinh động diễn tả sự hồn nhiên của con trẻ. Canh chừng và bảo vệ chúng cũng chính là bảo vệ cái thuần khiết nhất trong cõi con người. Dõi theo sự ngây thơ, nếu đó là một công việc, hẳn nhiên là một công việc tuyệt vời. Nhân vật chính - Holden Caufield - chỉ muốn có thế, là người bắt trẻ đồng xanh các thứ.
Còn ta thực sự muốn gì ?
Tác phẩm này gợi cho mỗi người đọc những câu hỏi kiểu vậy. Và cả những câu hỏi kiểu khác làm ta băn khoăn, lúng túng, mà nếu trả lời , chúng ta buộc phải đối diện với chính mình, từ suy tư cho đến hành động.
Holden chửi thề liên tục. Nhiều đến nỗi bạn phải cho rằng đây là một thằng mất dạy hay gì đó. Trong truyện, cậu ta bỏ học.
Người ta chửi thề chỉ khi bực bội hay chán ghét, đại loại vậy, có khi chỉ vì thói quen.Tiếng chửi của Holden đại diện cho sự phản kháng thói đạo đức giả, bộ tịch, làm màu các thứ. Không chỉ riêng một người mà cả hội, tập thể hay trở thành một nếp sống giả tạo được hình thành. Và việc bỏ học được xem như là sự chối từ hệ thống giáo dục đúc ra những con người kệch cỡm với một triết lý sống lạnh lùng, khuôn mẫu :
“Đời là một ván bài, chúng ta phải tuân thủ luật lệ của cuộc chơi”
với Holden:
“Ván bài, láo toét, cũng còn tùy chứ, nếu bạn ở bên những kẻ may mắn thì cho đời là một ván bài cũng được đi. Tôi công nhận. Nhưng nếu bạn ở phía kia, phía không có kẻ nào may mắn thì có gì là ván bài đâu ? không ván bài gì ráo. Đời nào.”
Với giọng điệu như đang kể cho bạn nghe một điều gì, và qua đó tác phẩm một lần nữa cảnh tỉnh hay đúng hơn là chửi đổng lên, hối thúc con người về một chuẩn mực sống đạo đức hơn, nhân bản hơn. Ý tưởng hay vấn đề này không mới nhưng luôn là một thách thức lớn. Vài chục năm trước , anh chàng Gastby của F. Scott Fitzgerald cũng mời mọi người đứng nghiêm trang về mặt đạo đức. Điều trùng hợp là cậu Holden cũng thích Gastby, và cả hai nhân vật lừng danh này đều được sinh ra trong thời hậu chiến, với đời sống tinh thần nhiều dao động, hoài nghi các giá trị và chuẩn mực đạo đức. Ra đời năm 1951, thời điểm các tiến bộ về khoa học kỹ thuật và phát triển về vật chất nhưng không bảo đảm được một đời sống tinh thần tốt đẹp mà ngược lại gây chán nản, hoang mang, hoài nghi về chính những giá trị đó. Giai đoạn này triết lý phật học phương đông nổi lên như một lối thoát khả thi cho những dồn nén của xã hội phương tây. Tổng hòa những mâu thuẫn và điều kiện đã hình thành nên “thế hệ Beat” với phong trào “Đông du ký”. Đây có phải là lý do Ni sư Phùng Khánh lại chọn dịch tác phẩm này ?
Bên Việt Nam ta chừng chục năm sau cũng có những con người với những nỗi loạn tương tự. Những người chẳng thể nào thỏa hiệp được với cuộc đời. Ẩn cư trong rừng trồng thông và làm thơ. Tác phẩm này nhắc tôi nhớ đến một nhà thơ như thế. Nguyễn Đức Sơn với bài Thi sỹ cũng đã cho ta nhìn lại cái sự dở dang của trần thế.
Khi ý thức mặt đất này dang dở
Ta vội chìm trong bóng nguyệt mang mang
Khi chấp nhận một ngàn lần đỗ vỡ
Ta một hồn đắm đuối giữa tan hoang
Đối với Holden hay chính J.D.Salinger, bóng nguyệt này đây là trẻ thơ, là cái khởi đầu thuần khiết của con người. Và dù sao, đến cuối cùng, cả hai vẫn “chấp nhận một ngàn lần đỗ vỡ” để mà đắm đuối.
Có rất nhiều vấn đề đã được lật lại qua cách nhìn của nhân vật chính, những hoài nghi, chán ghét, khao khát bên cạnh các triết lý, đạo đức, sự giáo dục, tôn giáo, tình dục… Những vấn đề ấy nếu muốn dẫn chứng bàn luận e rằng một ngàn rưỡi từ hãy còn quá ít. Nên tôi chuyển qua phần “cảm” vậy.
Tôi thích ngồi lai rai với bạn bè tâm đắc để phiếm chuyện, giải tỏa các nghi vấn hay những cảm giác tồn đọng.
Đọc Bắt trẻ đồng xanh cũng như đang ngồi nhậu với Holden. Nghe cậu kể chuyện và chửi thề. Bằng một điệu hơi nhấn ở các âm cuối, khá hằn học. Lâu lâu lại nói hơi nhanh để giải thích. Ta có thể say mê, mỉm cười chút đỉnh vừa nghe câu chuyện. Bia sẽ ngon hơn. Và với những khoảng lặng hay một kỷ niệm ta hiểu rằng cậu nhạy cảm đằng sau cái giọng chửi thề như thể trấn an chính mình vậy. Đa cảm và tinh tế trong cái vỏ hành xử trẻ con. Cách mà cậu tránh cho ông thầy Spencer khỏi áy náy, giúp thằng Stradlater đĩ bợm làm bài luận hay rủ “bé” Ackley dơ dáy đi xem phim. Dù cậu bảo là chán bỏ mẹ đi được. Thế nên, nếu các bạn chỉ chú ý đến cách nói hằn học, các bạn có thể bỏ qua một người tốt như chơi. Mô tả những thứ bộ tịch bằng giọng đó sẽ khiến bạn vô tình trải qua một chuỗi các cuộc tự vấn bản thân, ít nhất về hành vi của mình. Điều duy nhất của những người lớn khiến cậu dễ chịu, phải bắt nguồn từ sự chân thành. Và ngay ở bản thân cậu, tác giả đã phô diễn cho ta thấy một con người có thể chân thật với mình, với người đến cỡ nào. Sự chân thật đến độ, các trải nghiệm ấy cho chúng ta cảm giác như đã trải qua rồi, hoàn toàn rồi, bằng một cách khác. Đôi khi cũng khá hài hước.
“phiền một nỗi là tôi không thể thở được. Cuối cùng tôi đứng dậy, tôi phải đi đến phòng tắm vừa cúi khom xuống ôm bụng các thứ. Nhưng tôi khá điên. Tôi thề thật đấy. Đi chừng nửa đường đến phòng tắm, tôi kiểu như giả vờ như tôi có một viên đạn trong bụng. Thằng già Maurice đã nã tôi. Bây giờ tôi đến phòng tắm, làm chút uýt ki cho tỉnh người rồi sẽ thực sự hành động. Tôi tưởng tượng mình ra khỏi buồng tắm, ăn mặc chỉnh tề các thứ, trong túi có khẩu tự động, đi hơi chập choạng. Rồi tôi sẽ bước xuống cầu thang, thay vì đi thang máy. Tay tôi cứ bấu lấy tay vịn cầu thang các thứ, máu trong miệng chốc chốc lại rỉ ra. Điều tôi sẽ làm là tôi đi bộ xuống một ít tầng lầu – rất bình tĩnh mặc dù máu cứ trào ra hết cả. Đoạn tôi bấm chuông thang máy, vừa khi thằng cha Maurice mở cửa ra, hắn sẽ thấy khẩu tự động và la lên bằng cái giọng the thé chết nhát là hãy để cho hắn yên. Nhưng tôi cứ nã hắn như thường, sáu phát ngay vào cái bụng phệ lông lá của lão. Đoạn tôi sẽ ném khẩu tự động vào thang máy sau khi đã chùi dấu tay các thứ. Xong tôi sẽ bò về phòng và gọi cho Jane đến băng bó vết thương. Tôi tưởng tượng nàng châm một điếu thuốc cho tôi hút trong khi tôi đang máu me ròng ròng các thứ.
Phim ảnh thật là chó chết, nó có thể làm cho bạn phá sản như chơi. Tôi không đùa đâu.”
Đôi lúc lại thích thú với những suy tư hồn nhiên “Những con vịt trong hồ sẽ ở đâu vào mùa đông ? “ suy nghĩ, tò mò nhưng quên mất rằng những con cá mới thật sự nguy khốn vì hồ nước đóng băng các thứ. Một chiêm nghiệm nhẹ nhàng về sự tồn sinh.
Sẽ rất thiếu sót khi bỏ qua những khoảnh khắc đẹp đẽ và cảm động, điều sẽ còn đọng lại như một thứ tinh túy nhất của tác phẩm. Trẻ thơ, lúc cậu hồi tưởng cũng chính là lúc ta hồi tưởng lại những hồn nhiên ngô nghê của trẻ thơ mà ta đã từng cảm nhận. Đoạn mô tả đôi găng tay của Allie-đã-mất hay thăm em Phoebe xứng đáng là một trong những trích đoạn hay nhất để mô tả trẻ thơ. Khiến tôi nhớ đến bé Betty nhà Penderwick, nhóc Nicholas và các em nhỏ. Và đặc biệt là đứa cháu từ lâu của tôi, giờ đang học lớp 5. Hình dung lại đôi tay mềm mại bé xíu vân vê trên khuôn mặt tôi, mỗi lần hôn lấy hôn để vào trán, mũi, cổ. Và cô nàng cũng đặt tên siêu nhân cho mọi người các thứ, tôi đến chết đi được.
Bên cạnh sự thơ ngây ta không được phép xấu xa hay giận dữ. Ta có thể giận mình đã trở thành người lớn. Và như thể để chuộc lỗi ta chỉ còn nên hát những bài đồng dao cho trẻ bé nghe mà thôi.
Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến ngõ nhà Trời
...
Nguyễn Mạnh Tuấn
0 nhận xét:
Post a Comment